Gà Hồ thuần Việt, sản vật quý từng được ‘tiến Vua’

Gà Hồ hay còn gọi là gà “tiến Vua”. Đây là một sản vật chỉ có ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Lạc Thổ nằm ở phía bờ Nam của lưu vực sông Đuống nổi tiếng cả nước về giống gà Hồ thuần Việt quý hiếm, không pha tạp với gà ngoại.

 

Trải qua thời gian, những biến cố thăng trầm lịch sử, chiến tranh loạn lạc, thiên tai… nhất là những đợt cúm gia cầm, có lúc tưởng chừng như giống gà Hồ quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhưng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, giống gà này dần được khôi phục lại, trở thành đặc sản của tỉnh Bắc Ninh.

ga-ho

Chăm sóc gà Hồ.

 

Từ bao đời nay, cứ vào dịp Tết cổ truyền thì dù nhà nghèo khó đến đâu, đã là dân làng Lạc Thổ đều phải có một con gà Hồ đẹp bày lên mâm cúng tổ tiên và mâm lễ ra đình làng. Gà Hồ cũng là giống gà đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có mở hội thi gà to, gà đẹp cách đây hơn 600 năm. Hàng năm, hội thi gà Hồ được tổ chức vào các dịp đầu xuân.

 

Gà Hồ có trọng lượng rất lớn. Sách “Dư địa chí Bắc Ninh” ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con bé không dưới 8 đến 9 cân ta”. Hiện nay, gà Hồ nuôi ở làng Lạc Thổ 1 năm rưỡi có thể nặng 5,5-6kg. “Nghe hai tiếng gà Hồ người ta có thể liên tưởng ngay tới một con gà to, mau lớn, thịt thơm ngon, có ngoại hình màu sắc đẹp, thân hình cường tráng, hùng dũng nhưng thật hiền hậu” – ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi gà Hồ ở làng Lạc Thổ chia sẻ.

 

Theo ông Dương Thành Chung, thành viên HTX chăn nuôi gà Hồ, việc nuôi gà Hồ của gia đình chủ yếu là để bán giống cho các vùng quê; còn gà thương phẩm chỉ phục vụ cho gà lễ Tết. Do gia đình có điều kiện về diện tích nên ông duy trì từ 100-150 con, thậm chí có lúc lên đến 300 con gà. Gà Hồ được nuôi theo phương pháp dân dã, tự nhiên, chủ yếu bằng thóc gạo nên thịt hồng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Một con gà Hồ khi trưởng thành có cân nặng trung bình khoảng 5-6kg và được bán với giá từ 500-700 nghìn đồng/kg.

 

Đặc trưng của gà Hồ vừa mang tính tâm linh, đậm nét văn hóa, vừa phát triển kinh tế, giá trị ẩm thực cao. Da và thịt gà Hồ rất thơm ngon, giòn và ngọt; chắc mà không dai, béo mà không ngấy, lại đầy đủ và cân bằng hàm lượng các chất axit amin cần thiết khá cao. Tỷ lệ lipit, chất thô thấp hơn so với thịt của các sản phẩm gia súc, gia cầm truyền thống khác. Đây là những đặc điểm quý để phát triển chăn nuôi giống gà này trong điều kiện hiện nay, khi mà thị trường đòi hỏi khắt khe thực phẩm phải sạch và có hàm lượng lipit thấp, nhưng giá trị dinh dưỡng phải cao.

 

Đặc biệt, hình ảnh gà Hồ chính là nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân dòng tranh dân gian Đông Hồ. Con gà trong tranh Đông Hồ biểu hiện cho sự đại cát, sung túc, vinh hoa phú quý, thịnh vượng và an lành. Hình ảnh gà Hồ đã được chọn làm linh vật của Đại hội thể thao trong nhà Châu Á 2009 tại Hà Nội.

 

Tuy sở hữu nhiều đặc điểm quý nhưng gà Hồ phát triển chậm, sinh sản muộn, đẻ thưa dẫn đến số lượng chưa nhiều, mỗi năm gà Hồ chỉ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa được 11-12 trứng. Thời gian nuôi gà Hồ kéo dài từ 8-10 tháng, thậm chí lên tới một năm rưỡi mới được khai thác nên không thu hút được người chăn nuôi đầu tư đại trà. Theo thống kê, hiện trên địa bàn thị trấn Hồ có gần 250 hộ nuôi gà Hồ; trong đó có khoảng 25 hộ đang giữ gìn và nuôi bảo tồn giống gà Hồ. Đây là những người có tâm huyết với giống gà Hồ quý hiếm.

 

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu sử dụng những đặc sản như gà Hồ ngày càng tăng, giá trị kinh tế mà gà Hồ đem lại rất lớn. Mặc dù đã mở rộng quy mô nuôi gà Hồ lấy thịt nhưng thị trường gà Hồ vẫn khá đắt đỏ và khan hiếm, đặc biệt là vào những tháng giáp Tết Nguyên đán. Nhiều người muốn mua gà Hồ để biếu hoặc thưởng thức thường phải đặt mua từ lúc gà chưa nhổ giò, bốc dáng.

 

Gà Hồ đã được Viện chăn nuôi Quốc tế kết hợp cùng Viện chăn nuôi Quốc gia và Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức về khảo sát và đưa vào dự án bảo tồn Quỹ môi trường toàn cầu – chương trình môi trường Liên hợp quốc – Viện nghiên cứu chăn nuôi Quốc tế (GEF – UNEP – ILRI). Việc bảo tồn và phát triển gà Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam phối hợp UBND huyện Thuận Thành bảo tồn và phát triển giống gà Hồ tại địa phương.

 

Hải Phong

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Bài viết liên quan

Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Ngọc Hồi (Kon Tum): Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
Ngọc Hồi (Kon Tum): Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Comments

There is no comment

Gà Hồ thuần Việt, sản vật quý từng được ‘tiến Vua’ "Gà Hồ thuần Việt, sản vật quý từng được ‘tiến Vua’" get  Gà Hồ thuần Việt, sản vật quý từng được ‘tiến Vua’IHAPPYGà Hồ hay còn gọi là gà “tiến Vua”. Đây là một sản vật chỉ có ở làng Lạc ...false
4.7/5 with 20 reviewed.
WRITE COMMENT