Dự án ACIAR: Mở hướng thoát nghèo cho nông dân vùng cao

Dự án của ACIAR đã hỗ trợ được 2 hợp tác xã phát triển chuỗi bò thịt và chuỗi bò giống, thiết lập 6 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, gần 400 hộ nông dân được hưởng lợi từ các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực, giúp tăng cường sản xuất thâm canh và liên kết với thị trường, đời sống của bà con nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được cải thiện rõ rệt.

 

Mở hướng thoát nghèo cho người nông dân

 

Trải qua 5 năm triển khai, Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, đã mở hướng cho nông dân tỉnh Điện Biên từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, tận dụng được những lợi thế sẵn có tại địa phương, làm giàu từ chăn nuôi thâm canh đại gia súc.

 

Năm 2018, được sự vận động, giới thiệu của các cán bộ Khuyến nông về Dự án, chị Lường Thị Tươi (50 tuổi), dân tộc Thái ở bản Bó Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã quyết định tham gia vào hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò giống xã Quài Nưa. Cho đến nay, đàn bò của gia đình chị luôn được duy trì từ 10-12 con, nuôi theo hướng vỗ béo. Với mô hình này, trung bình mỗi năm, gia đình chị Tươi thu về khoảng 200 triệu đồng.

 

Trải qua 4 năm, chị Tươi nhận thấy quyết định thay đổi phương thức chăn nuôi bò thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ sinh khối làm thức ăn là hoàn toàn đúng đắn. “Từ khi tham gia HTX, tôi cảm thấy rất hài lòng. Trước kia, khi còn chăn nuôi thả rông vất vả lắm, trời mưa cũng như trời nắng luôn phải theo chân con bò ra nương, rẫy để chăn. Khi được các cán bộ Dự án về hướng dẫn nuôi bò theo phương thức vỗ béo, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Việc mua, bán trâu bò cũng thuận lợi hơn, có người đến mua tận nơi, kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện”, chị Tươi vui vẻ chia sẻ.

 

Tương tự hộ gia đình chị Tươi, mô hình chăn nuôi của chị Lường Thị Giót (38 tuổi), bản Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo cũng được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Bắt đầu tham gia chỉ với 4 con bò lấy giống trực tiếp tại HTX Chăn nuôi bò giống, đến nay, số lượng đàn bò của gia đình chị Giót đã nhân giống lên thành 15 con, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/ con bò/ năm, kinh tế gia đình khấm khá hơn rất nhiều. Chị Giót chia sẻ, từ khi có các cán bộ, giảng viên về hướng dẫn cách nuôi, cách trồng cỏ, ngô sinh khối ủ làm thức ăn cho gia súc, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang phương thức nuôi nhốt, đặc biệt có bản 100% hộ dân đã chuyển sang phương thức vỗ béo này.

 

Khác biệt so với chị Tươi và chị Giót, khi được tiếp cận với Dự án, tiếp thu những kiến thức kỹ thuật, nhận thấy tiềm năng chăn nuôi gia súc tại địa phương cùng sự đam mê với ngành nông nghiệp, anh Đỗ Đức Thắng – Giám đốc HTX Chăn nuôi Điện Biên nhận ra rằng, muốn phát triển bền vững thì cần chăn nuôi theo hướng liên kết, đây cũng là lý do anh tham gia Dự án và thành lập lên HTX Chăn nuôi Điện Biên. HTX phát triển theo hướng bò sạch, an toàn, chất lượng cao, đây là mô hình điểm, được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

 

Quy mô hiện tại của anh Thắng luôn đảm bảo duy trì từ 300 – 500 con trâu, bò đồng thời kết nối được với các hộ tại nhiều xã, huyện lân cận của tỉnh. Hiện nay, HTX của anh Thắng vừa là nơi cung ứng con giống, vừa chăn nuôi bò vỗ béo và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Bình quân, mỗi con bò sẽ cho lãi khoảng 1 triệu đồng/ tháng, đời sống bà con nông dân trong vùng cải thiện rõ rệt.

 

Cho cần câu, không cho con cá

 

Ở các huyện như Điện Biên, Tuần Giáo người dân tộc thiểu số như Mông, Lào, Thái… vẫn chủ yếu giữ lối chăn nuôi truyền thống thả rông, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, bò nuôi gầy và kém hiệu quả. Thực tế cho thấy, trâu, bò nhốt chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao…

 

Theo PGS. TS Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm Dự án nghiên cứu “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự án lần này tập trung vào nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cơ bản và được đánh giá rất thành công. Dự án cung cấp giống cỏ, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ, ngô sinh khối, hướng dẫn bà con cách ủ cỏ làm thức ăn dự trữ, tăng cao chất lượng thức ăn, nâng cao năng suất chất lượng bò thịt.

 

“Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là việc trồng cỏ, ủ chua tích trữ làm thức ăn cho gia súc. Những năm trước đây, tỷ lệ trâu bò vùng cao nguyên chết rét vào mùa Đông là rất cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do tập quán chăn thả gia súc của bà con, cộng thêm việc không đủ thức ăn vào mùa Đông khiến trâu, bò bị đói, sức đề kháng suy giảm. Những năm gần đây, tỷ lệ trâu bò bị chết rét của tỉnh đã giảm hẳn, điều này có được là nhờ cung cấp đủ nguồn thức ăn cho trâu, bò”, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng cho hay.

 

Kèm theo đó, thời gian nuôi một con bò trước đây của bà con cũng kéo dài từ 1-2 năm, người dân coi trâu, bò như tài sản của gia đình, chỉ bán khi cần tiền. Nắm được tập quán, thói quen canh tác này, nhóm nghiên cứu của Dự án đã có cách tiếp cận “kim tự tháp”, tức là chọn ra những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để giới thiệu và tuyên truyền đến bà con nông dân.

 

Dự án tổ chức cho một vài hộ nông dân đi thăm mô hình điểm tại một số tỉnh chăn nuôi đại gia súc phát triển như Đắk Lắk, Sơn La, người nông dân được học hỏi và tình nguyện mong muốn tiếp nhận những kiến thức từ dự án, phát triển tổ, nhóm, có những nhân tố hạt nhân “nông dân điển hình”. Từ những tổ, nhóm đó đã phát triển được 2 HTX chăn nuôi là HTX chăn nuôi bò giống ở huyện Tuần Giáo và một HTX chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở huyện Điện Biên. Đây là hai HTX chăn nuôi đầu tiên của tỉnh.

 

Ông Quàng Văn Thủy, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò giống huyện Tuần Giáo cho hay, từ khi tiếp cận dự án, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được trực tiếp tham khảo các mô hình chăn nuôi từ nhiều địa phương trên cả nước, nhận thức của người dân đã thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư cho chăn nuôi bò làm giàu. Hiện nay, toàn xã Quài Nưa, tỷ lệ nuôi nhốt đã dần nâng lên 20%. “Đây là dự án chăn nuôi đầu tiên chúng tôi được tiếp cận. Người nông dân học được kỹ thuật trồng và ủ cỏ, cây ngô sinh khối. Vấn đề xây dựng chuồng trại cũng được cải thiện, thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông. Xây dựng máng ăn, uống tiện lợi, phù hợp, có hộ gia đình còn đầu tư máng uống tự động. Tất cả những tiến bộ này đều nhờ Dự án của ACIAR mang lại”, ông Thủy niềm nở chia sẻ.

 

Được đánh giá là một tấm gương điển hình của dự án, chị Đoàn Thị Tương, dân tộc Thái, xã Pom Lót, huyện Điện Biên cho hay: “Năm 2018, tôi được cán bộ xã cử đi tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, phương pháp ủ thức ăn cho bò thịt, tận dụng cây ngô mang về ủ trong khoảng 2 tuần – 1 tháng để làm thức ăn cho bò. Trước kia, gia đình chăn nuôi thả trên rừng, mùa rét không chăm sóc, bò không có thức ăn. Từ khi ứng dụng khoa học mới, không còn lo thiếu thức ăn cho bò, con bò nuôi nhốt có lông mượt, béo, bán được giá hơn”.

 

Từ khi có Dự án cho đến nay, xã Pom Lót đã có 60 hộ gia đình tham gia và chuyển đổi từ chăn nuôi chăn thả sang hình thức nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo bò.

 

Đánh thức tiềm năng chăn nuôi gia súc của tỉnh

 

Có thể thấy, Dự án của ACIAR có những tác động lớn tới việc giải quyết vấn đề nguồn thức ăn trong chăn nuôi đại gia súc. Tỉnh Điện Biên cơ bản đã giải quyết được vấn đề thức ăn chăn nuôi. Đã có những thay đổi tích cực về nhận thức trong chăn nuôi đại gia súc, đăc biệt là từ những tác động hỗ trợ khoa học kỹ thuật từ dự án, nhận thức được việc trồng cỏ là điều kiện tiên quyết để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng đàn, tăng hiệu quả kinh tế trong nông hộ.

 

Theo ông Bùi Minh Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên đánh giá, Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” của ACIAR tài trợ đã mang lại nhiều ý nghĩa đối với bà con nông dân của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý, cán bộ triển khai. Quan trọng hơn, thông qua dự án lần này, người dân Điện Biên có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ mới, đặc biệt là việc sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi từ rơm, rạ đến trồng cỏ… chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp không hiệu quả sang trồng cỏ, trồng ngô sinh khối phục vụ ủ chua, bảo quản tạo thức ăn bền vững, lâu dài cho gia súc trong mùa khô và mùa Đông. “Dự án bước đầu đánh giá đã mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng. Tại những vùng được hưởng dự án, bà con đến tham quan, học hỏi và tự chuyển giao kỹ thuật cho nhau. Thông qua Trung tâm Khuyến nông Giống cây trồng vật nuôi của tỉnh, cùng các tổ chức hội như Hội Nông dân mở các lớp tập huấn về canh tác bền vững trên đất dốc kết hợp chăn nuôi đại gia súc đã mang lại kết quả cao”, ông Hải chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên hy vọng với mô hình chăn nuôi thâm canh đại gia súc đang được thực hiện, các địa phương sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thông qua Trung tâm Khuyến nông Giống cây trồng vật nuôi của tỉnh, và thông qua các HTX đang được hưởng dự án này.

 

Trên cơ sở từ dự án của ACIAR, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh Điện Biên phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc dựa trên nền tảng kỹ thuật chăn nuôi tập trung và chăn nuôi có kiểm soát” trị giá 29 tỷ đồng.

 

Bài viết liên quan

Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Xã Phước Đồng: Thêm 2 hộ có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi
Xã Phước Đồng: Thêm 2 hộ có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm

Comments

There is no comment

Dự án ACIAR: Mở hướng thoát nghèo cho nông dân vùng cao "Dự án ACIAR: Mở hướng thoát nghèo cho nông dân vùng cao" get  Dự án ACIAR: Mở hướng thoát nghèo cho nông dân vùng caoIHAPPYDự án của ACIAR đã hỗ trợ được 2 hợp tác xã phát triển chuỗi bò thịt và chuỗi ...false
4.6/5 with 57 reviewed.
WRITE COMMENT