Khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi tôm chủ lực theo Nghị định 26

Tại Hội nghị trực tuyến ‘Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022’ sáng 11/3, Tổng cục Thủy sản đề nghị doanh nghiệp nuôi tôm khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP và tuân thủ quy định về sử dụng chất cấm…

Nhiều cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất

Báo cáo về kết quả nuôi tôm năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng nhưng sản lượng tôm nuôi các loại vẫn đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Bước sang năm 2022, ngành thủy sản đặt nhiệm vụ trọng tâm đạt diện tích nuôi tôm 750.000ha (tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha) và sản lượng tôm các loại đạt 980 nghìn tấn (tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn, còn lại là tôm khác).

san-luong-nuoi-tom-tang-so-voi-cung-ky

Năm 2021, sản lượng tôm nuôi trên cả nước đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh nhiều khó khăn, tồn tại mà ngành nuôi tôm đang phải đối mặt.

Về tôm giống, tôm bố mẹ, tôm giống còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.

Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Ngoài các địa phương đã tham gia ký Quy chế phối hợp, thì công tác chia sẻ thông tin giữa các địa phương khác chưa tốt. Một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thủy sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý.

Về giá thành, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).

Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện) và giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý.

Triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực

Để đạt được kế hoạch trọng tâm năm 2022, ngành thủy sản nhấn mạnh giải pháp triển khai có hiệu quả thực hiện Luật thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung đã được sửa đổi khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP được ban hành.

dang-ki-doi-tuong-tom-chu-luc

Tổng cục Thủy sản đề nghị doanh nghiệp nuôi tôm khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi chủ lực.

Đáng chú ý, Tổng cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc.

Hà Anh

Doanhnghiepvn.vn

Bài viết liên quan

Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu đang ế hơn 500 tấn cá, tôm
Nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu đang ế hơn 500 tấn cá, tôm
CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ CON NUÔI THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TRONG GIAI ĐOẠN GIAO MÙA
CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ CON NUÔI THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TRONG GIAI ĐOẠN GIAO MÙA
Kỹ thuật nuôi ốc nhồi thương phẩm
Kỹ thuật nuôi ốc nhồi thương phẩm
Hà Tĩnh kiểm soát chất lượng giống tôm vụ xuân hè 2022
Hà Tĩnh kiểm soát chất lượng giống tôm vụ xuân hè 2022

Comments

There is no comment

Khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi tôm chủ lực theo Nghị định 26 "Khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi tôm chủ lực theo Nghị định 26" get  Khẩn trương đăng ký đối tượng nuôi tôm chủ lực theo Nghị định 26IHAPPYTại Hội nghị trực tuyến ‘Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý ...false
4.5/5 with 72 reviewed.
WRITE COMMENT