Doanh nghiệp ngành tôm nhanh chóng phục hồi, tăng tốc sản xuất
Các doanh nghiệp ngành tôm ĐBSCL nhanh chóng phục hồi và tăng tốc sản xuất.
Dù phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất trong thời gian khá dài, tốn rất nhiều chi phí, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên ngay sau khi biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, các doanh nghiệp ngành tôm đã nhanh chóng phục hồi và tăng tốc sản xuất nhằm tận dụng cơ hội còn lại của năm 2021 một cách hiệu quả nhất.
Linh hoạt cùng con tôm “3 tại chỗ”
Giữa tháng 7, khi các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cũng là lúc các doanh nghiệp ngành tôm buộc phải sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động. Dù đã tận dụng tối đa mặt bằng nhà xưởng, thậm chí thuê cả khách sạn bên ngoài hỗ trợ… nhưng số lao động ở lại làm việc tại các doanh nghiệp ngành tôm cũng chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm trước khi có dịch.
Lao động thiếu hụt lại được huy động từ nhiều khâu khác nhau, cộng thêm tâm lý bí bách do thực hiện “3 tại chỗ”… khiến công suất chế biến giảm mạnh, theo đó lỗi sản phẩm cũng tăng lên, tình thế này đã đẩy doanh nghiệp ngành tôm luôn căng thẳng giữa quan hệ lao động với chất lượng sản phẩm.
Thúc bách nhất vẫn là yêu cầu hoàn thành hợp đồng với phía đối tác. Nhiều doanh nghiệp ngành tôm đã linh hoạt đưa ra đối sách: Tập trung thu mua tôm cỡ lớn và chế biến sản phẩm thô nhiều hơn. Đây được xem là chuyển đổi phù hợp tình hình hiện tại và đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú dẫn chứng: “Thời gian để chế biến 1kg tôm thẻ loại 100 con/kg bằng với thời gian chế biến 5-7kg tôm thẻ loại 20 con/kg. Do đó, trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ” hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung thu mua tôm cỡ lớn nhiều hơn nên tôm thẻ cỡ nhỏ bị giảm giá khá mạnh. Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi hợp đồng tôm cỡ lớn ở 2 thị trường này có giá khá cao”.
Với sự linh hoạt, khoa học trong giải pháp phòng chống dịch COVID-19, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có các doanh nghiệp ngành tôm vẫn được duy trì. Việc phân chia 4 vùng mức độ nguy cơ trong phòng chống dịch đã tạo điều kiện cho lao động trở lại làm việc ngày một nhiều hơn.
Đến cuối tháng 8 số lao động tại hầu hết các doanh nghiệp ngành tôm quay lại làm việc đã đạt mức 50-60% so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Tại Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), từ chỗ chỉ có khoảng 40% lao động thực hiện “3 tại chỗ”, đến cuối tháng 8 đã tăng lên được 60%.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam báo tin vui: “Khi mới bắt đầu thực hiện “3 tại chỗ” công ty chỉ còn 1.200 lao động, nhưng đến đầu tháng 9 số lao động đã tăng lên được 2.000, nên lượng tôm mua vào cũng tăng lên đáng kể”.
Để có bước chuẩn bị tốt cho giai đoạn bình thường mới sau ngày 15.9 như dự kiến, ngay từ đầu tháng 9, bên cạnh việc gấp rút liên hệ với số công nhân đang nghỉ việc, các doanh nghiệp còn lên phương án phòng chống dịch chặt chẽ hơn trong điều kiện số lao động ngày càng tăng lên. Các kịch bản về tầm soát COVID-19, bố trí khu sản xuất, ăn nghỉ giữa ca riêng cho số lao động mới trước khi hòa nhập với số lao động hiện có cũng đã được các doanh nghiệp tính toán cụ thể.
Với sự chuẩn bị chu đáo trên, cùng sự đồng hành của chính quyền sở tại thông qua việc ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành tôm, nên từ 16.9 đến nay các doanh nghiệp đã cơ bản có đủ lao động cho giai đoạn phục hồi và tăng tốc.
Tăng tốc con tôm bơi về đích 2021
Sau ngày 16.9 đến nay, các tỉnh, thành khu vực phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, hay trở về trạng thái bình thường mới ngày một nhiều hơn, mở ra cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, dù chỉ mới ở trạng thái bình thường mới từ 16.9 đến nay, nhưng sản lượng tôm chế biến cũng như kim ngạch xuất khẩu tôm đã bất tăng trở lại so với tháng 8. Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, trong tháng 9 đã chế biến được 2.499 tấn, bằng 104,5% so cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu 21,7 triệu USD, bằng 121,2% so cùng kỳ năm 2020.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Sao Ta đạt kim ngạch xuất khẩu 154,6 triệu USD, bằng 111,9% so cùng kỳ năm 2020. Góp phần vào việc hoàn thành kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà.
Theo ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), doanh số xuất khẩu 9 tháng ước đạt 42 triệu USD. Ba tháng cuối năm cũng là cao điểm thu mua, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành tôm, nên chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch COVID-19, Camimex vẫn quyết liệt hướng đến đạt doanh số xuất khẩu 62-70 triệu USD của năm 2021. Và cũng theo ông Sơn, trong 9 tháng đầu năm mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ chuẩn bị từ sớm các phương án nên Camimex vẫn duy trì sản xuất trong suốt thời gian giãn cách xã hội, nên đã tạo được nguồn tôm chế biến thô dự trữ tương đối khá ở giai đoạn này.
Mới đây, sau nới lỏng giãn cách, làn sóng lao động từ thành phố Hồ Chí Minh đổ về, Công ty sẽ phối hợp với tỉnh thu nhận thêm lực lượng lao động này bổ sung vào dây chuyền sản xuất của công ty sẽ góp phần lớn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Khi chúng tôi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp ngành tôm ở ĐBSCL, nơi có cơ sở nuôi và chế biến tôm hàng đầu quốc gia, hầu hết khi đề cập đến việc hoàn thành kim gạch xuất khẩu tôm năm 2021 đều tỏ vẻ lạc quan về khả năng phục hồi sau đại dịch và tin tưởng hướng về đích của doanh nghiệp mình trong những tháng còn lại của năm 2021.
Nguồn tin: Lao Động
There is no comment