Quan tâm hỗ trợ đầu tư để nhân rộng diện tích nuôi tôm

Nghị quyết số 03/2017/NQHĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 đã xác định 6 cây trồng và 2 con nuôi gồm lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả, dược liệu, gỗ rừng trồng, con tôm và con bò với tổng ngân sách đã bố trí từ năm 2018 đến nay là 22,625 tỉ đồng. Trong 2 con nuôi chủ lực, cùng với con bò, con tôm là đối tượng nuôi được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển và đã mang lại giá trị kinh tế khá nổi bật.

nuoi-tom-tren-cat

Nuôi tôm trên cát ở Hải Lăng – Ảnh: Đ.T

Những năm qua, lĩnh vực thủy sản của tỉnh đã được cơ cấu lại theo hướng phát triển nuôi trồng tập trung vào thâm canh, áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị sản phẩm. Đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là quản lý quy hoạch các vùng nuôi, nhất là nuôi tôm trên cát, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản đảm bảo chất lượng, đủ cung ứng và kiểm soát tốt nguồn giống trên địa bàn.

Nhờ được quan tâm hỗ trợ, toàn tỉnh đã phát triển khá nhanh quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên vùng cát. Từ năm 2018, tỉnh đã triển khai mô hình ương tôm giống theo quy trình nuôi tôm hai giai đoạn tại 4 điểm ở 4 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và mô hình thương phẩm tôm thẻ chân trắng thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học tại 3 điểm ở 3 huyện: Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Năm 2019 triển khai mô hình ương tôm giống theo quy trình nuôi tôm hai giai đoạn tại 6 điểm trên địa bàn 4 huyện: Hải Lăng (1 điểm), Triệu Phong (1 điểm), Gio Linh (1 điểm), Vĩnh Linh (1 điểm) và thành phố Đông Hà (2 điểm); mô hình nuôi tôm hai giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học tại 4 điểm của huyện Vĩnh Linh; 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà kính; 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bể nổi tròn trong nhà lưới.

Năm 2020, triển khai dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình ba giai đoạn tại 3 điểm thuộc xã Hải An, Hải Lăng (1 ha), xã Triệu Lăng, Triệu Phong (1 ha) và xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh (1 ha); triển khai mô hình ương tôm giống theo quy trình nuôi tôm hai giai đoạn tại 5 điểm trên địa bàn 4 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà; 1 mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh; 1 dự án ương, nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn, sử dụng lưới che tạo môi trường nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu tại xã Triệu Lăng, Triệu Phong; 1 dự án nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình hai giai đoạn tại xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh… Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi đang được hình thành, hướng đến sản xuất tôm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có thể kể đến từ tháng 4/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Camimax và Công ty Đắc Lộc về hợp tác liên doanh, liên kết phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, các mô hình nuôi tôm cho sản lượng tăng, chi phí giảm, lợi nhuận khá, do đó sự lan tỏa, nhân rộng khá nhanh. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 925 ha/1.000 ha, đạt 92,5%; diện tích nuôi tôm sú 352,06 ha/500 ha; năng suất và sản lượng đều tăng.

Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ sinh học, có liên kết được nhân rộng và mang lại hiệu quả cao, sản lượng bình quân đạt từ 20 – 30 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân thu được từ 500 triệu – trên 1 tỉ đồng/ ha bằng phương thức nuôi tôm hai, ba giai đoạn, nuôi theo hướng vietGAP, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, biofloc… Giá trị sản xuất ngành tôm không ngừng tăng lên, hiện đã đạt mức trên 900 tỉ đồng/năm.

Việc hỗ trợ phát triển con tôm theo Nghị quyết số 03/2017/NQHĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay đã triển khai 15 mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và thành phố Đông Hà với tổng mức hỗ trợ 6 tỉ đồng (400 triệu đồng/ mô hình) để xây dựng cơ sở hạ tầng như ao, bể ương dưỡng, hệ thống mái che và sục khí. Các mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đều đem lại hiệu quả cao, có tác động tích cực đến tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi từ 4.035,2 tấn năm 2017 tăng lên 4.697 tấn năm 2020.

Như vậy, hiệu quả từ nghề nuôi tôm đã được khẳng định. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm trên cát tại Quảng Trị vẫn có nhiều thách thức đặt ra. Đó là thường chịu tác động của nhiều yếu tố thời tiết như nhiệt độ tăng cao về mùa hè, giá rét vào mùa đông, thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Đáng quan tâm là hiện vùng cát ven biển của tỉnh đang là nơi quy hoạch, triển khai xây dựng các khu công nghiệp, khu dịch vụ – du lịch nên để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát cần phải có vùng quy hoạch cụ thể. Công tác quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát cần theo nguyên tắc không vi phạm đến đất rừng ven biển; có điều kiện tự nhiên đáp ứng yêu cầu, không xung đột với các ngành, nghề kinh tế – xã hội khác.

Từ đây, lập quy hoạch chi tiết từng vùng nuôi đảm bảo tính tập trung, có quy mô phù hợp với địa hình, điều kiện kinh tế – xã hội, nhất là phù hợp với trình độ quản trị để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Có vị trí quy hoạch, trên cơ sở nhà nước đầu tư hạ tầng đồng bộ, người nuôi tôm sẽ hoàn chỉnh các yếu tố hạ tầng khác như thủy lợi, công trình ao nuôi, qua đó đầu tư bài bản, sử dụng tôm giống sạch, áp dụng quy trình nuôi tôm hiện đại, chăm sóc tôm nuôi chu đáo, xử lý kịp thời các phát sinh trong nuôi tôm.

Ngành thủy sản cần hướng dẫn, tập huấn, phổ biến các quy trình nuôi tôm thâm canh, an toàn, sạch bệnh để người nuôi tôm trên cát học tập, hướng đến sản xuất bền vững. Các ngành chức năng của tỉnh cần triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và quan trắc môi trường cho nuôi tôm hiệu quả hơn nữa, giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất. Xây dựng các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu nuôi tôm thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người nuôi tôm tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm.

Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, thu mua tôm thương phẩm để ổn định thị trường. Giải quyết tốt các dịch vụ như cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy trình nuôi, công nghệ chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… để cùng phát triển.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bài viết liên quan

Tôm Việt Nam bán sang Mỹ cao hơn Ấn Độ và Ecuador 3-4 đô la Mỹ/kg
Tôm Việt Nam bán sang Mỹ cao hơn Ấn Độ và Ecuador 3-4 đô la Mỹ/kg
Khắc phục tình trạng nước ao nuôi cá có màu vàng
Khắc phục tình trạng nước ao nuôi cá có màu vàng
Siết công tác quản lý nuôi tôm trên đất lúa
Siết công tác quản lý nuôi tôm trên đất lúa
Giá tôm ở miền Tây tăng mạnh
Giá tôm ở miền Tây tăng mạnh

Comments

There is no comment

Quan tâm hỗ trợ đầu tư để nhân rộng diện tích nuôi tôm "Quan tâm hỗ trợ đầu tư để nhân rộng diện tích nuôi tôm" get  Quan tâm hỗ trợ đầu tư để nhân rộng diện tích nuôi tômIHAPPYNghị quyết số 03/2017/NQHĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ phát triển false
4.6/5 with 86 reviewed.
WRITE COMMENT