Chăn nuôi gia cầm: Khó khăn bủa vây

(Người Chăn Nuôi) - “Hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có cả về sản xuất lẫn thị trường”, đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19” do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây.

Khó chồng khó

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở những mặt hàng cụ thể, vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Ðối với thị trường trong nước, tiêu thụ thịt gia cầm hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ngày càng tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn; Hay sự ách tắc trong khâu lưu thông do dịch COVID-19 đầu năm 2021 khiến cho các loại rau vụ đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ…

Ðối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như: Mỹ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam; Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi do lây truyền dịch bệnh COVID-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn…

Riêng với ngành chăn nuôi gia cầm, theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, ngành đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó có một số khó khăn chính như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm như con giống, thịt, trứng rất khó khăn và luôn đứng ở mức thấp. Một số thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệm (chi phí kiểm dịch, hợp quy TĂCN…) và chi phí logicstic cao gấp 2 - 3 lần so các nước trong khu vực. Doanh nghiệp và hộ chăn nuôi thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Những doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất nhỏ có vốn ít gặp rất nhiều khó khăn khi phải phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch COVID-19, trong khi chi phí vật tư đầu vào, đặc biệt là TĂCN tăng 20 - 30% so cùng kỳ năm 2020. Gần 50% công nhân làm việc tại các trại chăn nuôi, nhà máy phải luân phiên nghỉ trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhưng các công ty vẫn phải chi trả tiền lương, từ đó đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên gấp 2 - 3 lần, gây thiếu hụt vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do phải tách chuyến hoặc tăng cường chuyến trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19. Việc nhập khẩu một số hàng hóa đầu vào phục vụ chăn nuôi, như nguyên liệu thức ăn và thuốc thú y, vaccine gặp khó khăn do giá tăng cao, hoặc ngưng trệ các chuỗi cung ứng. Sản xuất gia cầm trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với thịt gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Mặc dù đã có chính sách của Nhà nước về gia hạn nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận khoản vay mới. Vì vậy, một số doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

                                                    chan-nuoi-gia-cam-2021-2

Ngành gia cầm đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có - Ảnh: IE

Ðồng quan điểm, ông Tống Xuân Chinh cho biết, sau khi Dịch tả heo châu Phi xảy ra, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt để tăng các sản phẩm gia cầm, bù đắp phần thiếu cho sản phẩm thịt heo. Tuy nhiên, sau đó tác động của COVID-19 khiến cho giá sản phẩm gia cầm là trứng, thịt gia cầm ở mức thấp. Cùng với đó, các doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó khăn kép khi giá TĂCN tăng cao do giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.

 

Lo ngại thiếu nguồn cung

TS. Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm, trong suốt cả năm 2020 và đặc biệt từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát ở nước ta, ngành chăn nuôi gia cầm gặp vô vàn khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm đã khó nay lại càng khó hơn. Một số doanh nghiệp, trang trại buộc phải giảm quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng tái đàn. Cùng với việc tiêu thụ gà thịt gặp khó khăn, thì tiêu thụ trứng cũng cũng tình cảnh tương tự. Theo ước tính của VIPA, tổng sản lượng trứng sản xuất hiện nay bình quân mỗi ngày khoảng 41 - 42 triệu quả, trong khi mức tiêu thụ tối đa hiện nay khoảng 39 - 40 triệu quả/ngày. Vì vậy, đã có tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất và cung ứng trứng cho các siêu thị hàng tuần đã phải thu hồi trứng quá hạn bảo quản không tiêu thụ được.

Giá bán một số sản phẩm không những thấp hơn giá thành mà rất khó tiêu thụ, nhất là gà đẻ loại và con giống 1 ngày tuổi. Hiện, giá gà con lông màu 1 ngày tuổi chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/con; Gà lông trắng 1 ngày tuổi là 7.000 - 8.000 đồng/con; Vịt con 1 ngày tuổi là 8.000 - 10.000 đồng; Gà thịt lông màu 45.000 - 55.000 đồng/kg (tùy loại); Gà lông trắng 24.000 - 25.000 đồng/kg; Vịt thịt 32.000 - 35.000 đồng/kg; Trứng gà chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/quả; Trứng vịt 1.700 - 1.800 đồng/quả. Với giá bán sản phẩm như vậy người sản xuất đang bị thua lỗ nặng. Hiện nay, tổng đàn gà đẻ loại và gà thịt lông màu đến tuổi cần bán, nhưng chưa bán được ước khoảng 20 - 30 triệu con.

                                                               chan-nuoi-gia-cam-2021-3

Ảnh: Vectorstock

Do chịu áp lực kép về dịch bệnh COVID-19 và giá TĂCN tăng cao, hậu quả là đến thời điểm này có khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% gia trại, hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đang đứng bên bờ vực phá sản.

Theo tính toán của VIPA, tổng đàn gia cầm từ 512,690 triệu con vào cuối năm 2020 nay giảm xuống chỉ còn 326,769 triệu con trong tháng 5 đầu năm 2021, giảm 36,26%. Trong đó tổng đàn gà từ 409,500 triệu con xuống còn khoảng 266,175 triệu con, giảm 35%; Vịt từ 86,563 triệu con xuống còn 60,594 triệu con, giảm 30%; Sản lượng trứng từ 16,681 tỷ quả xuống còn 13,345 tỷ quả, giảm 20%.

                                                                 tổng đàn gia cầm 2021

“Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ trong quý IV/2021 sẽ thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm, kéo theo hậu quả là thịt gà đông lạnh sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa”, TS. Nguyễn Thanh Sơn lo ngại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết

Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Phối hợp theo ngành dọc với các địa phương trong bảo đảm sản xuất an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Tăng cường triển khai các quy trình, thủ tục theo hình thức trực tuyến, khai báo điện tử để vừa đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm yêu cầu hiệu quả phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 

Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn: Cần có một chính sách vĩ mô ổn định

Giá bán sản phẩm luôn đứng ở mức thấp, trong khi giá TĂCN liên tục tăng, vì vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi đã giảm đàn mạnh hoặc treo chuồng. Với đà giảm đàn như hiện nay, có khả năng sang quý 3 và 4 năm nay sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt, trứng gia cầm trong nước, dẫn tới nguy cơ sản phẩm thịt gà nhập khẩu sẽ gia tăng. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn có tác động đến an ninh thực phẩm. Tất nhiên, người chăn nuôi và doanh nghiệp đang phải tự cứu lấy mình trước khi bị phá sản. Song đã đến lúc, các bộ, ngành cần nhìn nhận lại ngành gia cầm cũng như cần có một chính sách vĩ mô ổn định để ngành gia cầm của Việt Nam phát triển thực sự bền vững và hiệu quả.

Phương Ngọc

 
 
 
Gửi bình luận

Bài viết liên quan

Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Comments

There is no comment

Chăn nuôi gia cầm: Khó khăn bủa vây "Chăn nuôi gia cầm: Khó khăn bủa vây" get  Chăn nuôi gia cầm: Khó khăn bủa vâyIHAPPY

“Hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có cả về sản xuất lẫn thị trường”, đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19” do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây.


false
4.5/5 with 53 reviewed.
WRITE COMMENT