Xuất khẩu khó khăn, tôm hùm rớt giá

Người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa đang phấp phỏng vì việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả lại giảm mạnh.

Giá tôm hùm thấp, tiêu thụ khó

Những ngày này tại xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh, nơi nuôi tôm hùm xanh chủ yếu ở Khánh Hòa, người nuôi đứng ngồi không yên khi tôm hùm thương phẩm liên tục rớt giá.

gia-tom-hum-giam-manh

Hiện giá tôm hùm giảm mạnh khiến người nuôi khó khăn. Ảnh: KS.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình cho biết, toàn xã hiện có trên 20.000 lồng nuôi tôm hùm. Trước Tết Nhâm Dần, giá tôm hùm xanh được thu mua dao động từ 920 – 970 ngàn đồng/kg, sau Tết giảm xuống còn 820 – 850 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi thu hoạch vẫn có lãi ít. Tuy nhiên vài tháng gần đây, giá tôm hùm liên tục giảm mạnh, hiện chỉ còn từ 620 – 670 ngàn đồng/kg (tùy loại), lại vắng thương lái thu mua hoặc có thu mua nhưng số lượng có hạn.

Theo ông Tuấn, với mức giá thấp trên, bà con thu hoạch sẽ thua lỗ nặng vì tôm nuôi lứa này bị hao hụt nhiều, cộng với con giống và giá thức ăn cho tôm tăng cao. Cụ thể, nếu như trước đây giá thức ăn cho tôm dạo động từ 25 – 30 ngàn đồng/kg, nay tăng lên 60 – 65 ngàn đồng/kg khiến người nuôi chồng chất khó khăn.

gia-tom-hum-xanh-giam

Giá tôm hùm xanh chỉ còn 670 ngàn đồng/kg loại 3 con/kg. Ảnh: KS.

“Hiện tại nhiều hộ cầm cự chịu không nổi nên đành chấp nhận xuất bán tôm và chịu thua lỗ hoặc may mắn huề vốn nếu nuôi hao hụt ít. Nhưng cũng có nhiều hộ cố gượng nuôi để chờ giá nhích lên”, ông Tuấn bộc bạch.

Gia đình anh Lê Văn Hòa ở thôn Bình Ba Đông (xã Cam Bình) có lứa 4.000 con tôm hùm xanh thả từ tháng 6 năm ngoái, đến nay đã đạt trọng lượng xuất bán (trung bình khoảng 3 con/kg) vẫn lưỡng lự chưa bán.

“Lứa tôm này giá giống lên tới 55 – 58 ngàn đồng/con, tăng gần gấp đôi so với các lứa trước. Nhưng trong quá trình nuôi có thể do con nước không thuận lợi nên tôm bị bệnh sữa (đục thân) gây hao hụt nhiều. Dường như hộ nuôi nào cũng bị hao hụt. Gia đình tôi nuôi lứa tôm này đã hao hụt trên 700 con. Nếu bán giá hiện nay 670 ngàn đồng/kg thì cầm chắc thua lỗ”, anh Hòa cho biết lý do chưa xuất bán.

Không chỉ tôm hùm xanh mà tôm hùm bông (tôm sao) thời gian qua cũng rớt giá mạnh. Theo ông Trần Minh Hiền, một người nuôi tôm hùm bông ở thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), hiện giá tôm hùm bông loại 1 (1 kg/con trở lên) từ 1,3 – 1,4 triệu đồng/kg, còn tôm loại 2 (0,72 – 1 kg/con) và loại 3 (0,55 – 0,7 kg/con) dao động từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/kg. Trong khi trước Tết Nhâm Dần, giá tôm hùm loại 1 lên đến 2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm loại 2 và 3 dao động từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg.

“Với giá tôm thấp như hiện nay, cùng với tỷ lệ nuôi bị hao hụt cao từ 20 – 30%, thậm chí có hộ hao hụt đến 50% thì xuất bán sẽ thua lỗ nặng”, ông Hiền nói và cho biết, nguyên nhân tôm bị hao hụt là do bị bệnh sữa. Như gia đình ông Hiền lứa này thả nuôi 2.000 con tôm hùm bông, hiện tôm đã đạt kích cỡ loại 2 và 3. Nhưng do tôm bị bệnh sữa nên mỗi ngày hao hụt từ 7 – 10 con, thậm chí có ngày mười mấy đến 20 con. Trong khi giá tôm lại thấp, thương lái lại ít thua mua nên gia đình rất khó khăn.

Cần nuôi tôm đúng quy hoạch

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng trên 60.000 ô lồng nuôi tôm hùm gồm tôm hùm xanh và tôm hùm bông, sản lượng trên dưới 1.300 tấn/năm.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện tôm hùm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một ít số lượng tiêu thụ trong nước phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” khiến việc xuất khẩu nông thủy sản, trong đó có tôm hùm vào thị trường này gặp nhiều khó khăn. Từ đó, tôm hùm ít được thu mua nên giá giảm mạnh. Trong khi đó, hiện du lịch trong nước chưa được phục hồi mạnh nên việc tiêu thụ tôm hùm cũng chưa nhiều.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thị trường, việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm trong thời gian tới vẫn bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường, Chi cục khuyến cáo người nuôi cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quản quản lý.

Đây là những cơ sở quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng để đưa tôm hùm xuất khẩu đường chính ngạch sang nhằm ổn định đầu ra cho tôm hùm. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, tìm đầu ra cho tôm hùm trên địa bàn.

Về lâu dài, để xuất khẩu tôm hùm bền vững, theo ông Én cần phải chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch. Muốn như vậy, ngoài việc thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý như đã nói, người nuôi cần chú trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường.

Theo ông Võ Khắc Én, để phát triển tôm hùm bền vững, Chi cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo đúng quy hoạch của tỉnh và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ.

Kim Sơ

Nongnghiep.vn

Bài viết liên quan

Nam Miền Trung bắt tay với Nam A Bank: Rót 30.000 tỷ đồng cho con tôm Việt
Nam Miền Trung bắt tay với Nam A Bank: Rót 30.000 tỷ đồng cho con tôm Việt
Tôm xuất khẩu tìm cách giữ vững lợi thế cạnh tranh
Tôm xuất khẩu tìm cách giữ vững lợi thế cạnh tranh
Người nuôi tôm ngóng nước mặn đủ độ để thả vụ mới
Người nuôi tôm ngóng nước mặn đủ độ để thả vụ mới
Tạo ‘giấy thông hành’ cho thủy sản vươn xa
Tạo ‘giấy thông hành’ cho thủy sản vươn xa

Comments

There is no comment

Xuất khẩu khó khăn, tôm hùm rớt giá "Xuất khẩu khó khăn, tôm hùm rớt giá" get  Xuất khẩu khó khăn, tôm hùm rớt giáIHAPPYNgười nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa đang phấp phỏng vì việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá ...false
4.5/5 with 30 reviewed.
WRITE COMMENT