Tất cả các ao nuôi của Trang trại Tân Nam đều được sử dụng chế phẩm vi sinh tự phân lập và nuôi cấy Ảnh: Xuân Trường
Trải qua thực tiễn
Theo ông Vũ, trước đây, trang trại cũng thường sử dụng chế phẩm EM nhập khẩu từ Nhật, nhưng sau thời gian theo dõi thấy không có hiệu quả cao, nên trang trại đã không còn sử dụng chế phẩm này mà chuyển sang sử dụng dòng vi sinh do mình tự phân lập, nuôi cấy. Ông Vũ chia sẻ: “Dòng vi sinh này được chúng tôi phân lập, từ bùn đáy ao, từ ruột cá rô phi… theo 2 tiêu chí là có khả năng cạnh tranh về mặt dinh dưỡng và có tính đối kháng với khuẩn Vibrio gây bệnh gan tụy trên tôm”.
Đối với vi sinh trộn vào thức ăn, theo ông Vũ, trước đây trang trại cũng có làm nhiều, nhưng cũng không hiệu quả nên quyết định ngưng sử dụng. Ông Vũ giải thích: “Do khi trộn vào thức ăn, vi sinh đã bị thay đổi môi trường sống, sau đó thức ăn đưa xuống ao thêm một lần thay đổi môi trường nữa và cuối cùng là khi tôm ăn vào, trong đường ruột lại có một môi trường khác nữa. Trong khi vi sinh cần có thời gian để hoạt động, nhưng thời gian tồn tại của thức ăn trong đường ruột tôm chỉ khoảng 4 giờ. Như vậy, vi sinh trộn vào thức ăn, khi vừa mới “tỉnh dậy” thì đã được đào thải ra ngoài đường ruột con tôm”.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn vi sinh ở khâu xử lý nước, theo ông Vũ, một chế phẩm vi sinh dùng cho xử lý nước tốt phải có tác dụng ức chế hoặc cạnh tranh với khuẩn Vibrio và xử lý được nhiều chất thải nhất để môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Vũ, hiện rất ít vi sinh đáp ứng các tiêu chí này, mà phần lớn chỉ là cạnh tranh về mặt dinh dưỡng, còn loại có thể sản sinh ra các chất ức chế Vibrio thì rất ít. Ngoài ra, phải sử dụng loại gì diệt được tất cả giáp xác, tảo trong quá trình xử lý nước ban đầu để phòng bệnh đốm trắng.
Trong sử dụng vi sinh, nếu khuẩn có lợi được đưa vào nhiều gấp 5 – 10 lần khuẩn hại thì tỷ lệ thành công rất cao. “Đây cũng chính là quy tắc “biển người” như cách gọi của các trang trại hiện nay và có 2 cách để làm điều này. Thứ nhất là bổ sung dinh dưỡng, hoặc tạo môi trường pH phù hợp với vi khuẩn có lợi vào ao nuôi”. Ông Vũ chia sẻ thêm.
Kinh nghiệm hay
Để phát huy tối đa hiệu quả của vi sinh có lợi, ngay từ khâu cải tạo ao, trang trại đã không còn dùng vôi như cách truyền thống, mà dùng biện pháp hạ pH ao nuôi thấp xuống để tạo môi trường bất lợi cho Vibrio không thể phát triển và bổ sung khuẩn cho lợi vào theo chiến thuật biển người. Ông Vũ cho biết thêm: “Trên thị trường vi sinh có giá rất cao (500.000 – 700.000 đồng/kg), nên người nuôi cần chọn loại có mật số 108 – 109 để tăng tính hiệu quả”.
Để kiểm soát tốt khuẩn Vibrio, cứ 5 ngày kiểm một lần. Trong 20 ngày đầu, tổng Vibrio xanh dưới 500 cfu, 21 – 45 ngày dưới 1.000 cfu là được. Tuy nhiên, từ ngày thứ 45 trở đi do dinh dưỡng trong ao nuôi cao, nên mật số Vibrio xanh sẽ rất cao việc kiểm soát sẽ rất khó, nên chuyển sang kiểm basillus, nếu thấy cao hơn Vibrio gấp 10 lần thì ổn. Còn khi Vibrio cao phải bổ sung khuẩn có lợi vào ít nhất cũng đạt mật số 50 – 50, thường thì khuẩn có lợi phải cao hơn.
Đối với diệt khuẩn định kỳ, theo ông Vũ, trước đây trang trại cũng có thực hiện, nhưng gần đây không còn áp dụng biện pháp này vì sau khi diệt, kiểm tra lại thấy mật số Vibrio giảm không đáng kể. Còn biện pháp hạn chế EMS, ông Vũ khuyến cáo người nuôi nên cho tôm ăn bổ sung thảo dược để diệt khuẩn Vibrio, vì khi Vibrio đạt mật số nhất định sẽ sinh ra độc tố và gây bệnh cho tôm.
Xuân Trường
There is no comment