Sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam năm 2022: Thách thức ở phía trước

Năm 2022, dự báo sản xuất, chế biến thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay, ngành Thủy sản cần thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

thuysan-tap-trung-thao-go-kho-khan-e1642996792228

Ngành Thủy sản đang tập trung tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2022.

Cơ hội đan xen với thách thức

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân đánh giá: Năm 2022, sản xuất, chế biến thủy sản vẫn có những lợi thế nhất định khi dịch Covid-19 được kiểm soát và doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Ngay từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để không bỏ lỡ đơn hàng đã ký kết.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp cho biết: Với diện tích vùng nuôi 1.000ha cùng lực lượng công nhân đã được tiêm vắc xin và trở lại làm việc đầy đủ, thời điểm này, tập đoàn đang đẩy mạnh hoạt động chế biến. Dự kiến trong tháng 1-2022, tập đoàn sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn cá tra các loại sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng trị giá 20 triệu USD, tăng 60-70% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên năm 2022, ngành Thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm… Mặt khác là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia cũng như những cảnh báo về an toàn thực phẩm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Một số thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Ví dụ: Sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch hay Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây cũng là một khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho biết: Năm 2022, thị trường xuất khẩu thủy sản tiếp tục bị tác động bởi những chính sách siết chặt kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch và áp lực cước vận chuyển tăng lên gấp 10 lần…

Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Bá Anh nhận định: Năm 2022, dịch bệnh tiếp tục là cản trở lớn tới sản xuất, xuất khẩu thủy sản; đặc biệt khi chính sách kiểm soát Covid-19 giữa các quốc gia có sự khác biệt. Ví dụ Trung Quốc áp dụng chính sách “zero Covid-19” cũng mang đến không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng.

Tháo gỡ vướng mắc, xuất khẩu 9 tỷ USD

Năm 2022, ngành Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) – Hồ Quốc Lực cho biết: Để mặt hàng thủy sản nói chung và tôm Việt Nam chiếm lĩnh các hệ thống phân phối cao cấp tại thị trường nước ngoài, các địa phương cần tập trung phát triển vùng nuôi an toàn, đánh số cơ sở nuôi thủy sản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) Đặng Ngọc Sơn thông tin: Sau khi Chính phủ ban hành quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, công ty đã tập trung thúc đẩy các hoạt động sản xuất, chế biến đáp ứng đơn hàng đã ký kết, mang lại hiệu quả cao hơn trong kinh doanh, xuất khẩu…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, Tổng cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hướng dẫn việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển… Cùng với đó là việc hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Hiện tại ngành Thủy sản đã có nền tảng khá vững chắc, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như: CPTPP, EVFTA,… bảo đảm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu; đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết hợp tác với các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Myanmar,… để trước mắt giải quyết vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu… hướng tới phát triển bền vững.

Tác giả: NGỌC QUỲNH

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Bài viết liên quan

Vỏ trứng gà liệu có lợi ích trong thức ăn thủy sản?
Vỏ trứng gà liệu có lợi ích trong thức ăn thủy sản?
Tỉ lệ sống của tôm thẻ nuôi tăng 20% nhờ chế phẩm từ hạt bơ
Tỉ lệ sống của tôm thẻ nuôi tăng 20% nhờ chế phẩm từ hạt bơ
Tôm xuất khẩu tìm cách giữ vững lợi thế cạnh tranh
Tôm xuất khẩu tìm cách giữ vững lợi thế cạnh tranh
Người nuôi tôm ngóng nước mặn đủ độ để thả vụ mới
Người nuôi tôm ngóng nước mặn đủ độ để thả vụ mới

Comments

There is no comment

Sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam năm 2022: Thách thức ở phía trước "Sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam năm 2022: Thách thức ở phía trước" get  Sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam năm 2022: Thách thức ở phía trướcIHAPPYNăm 2022, dự báo sản xuất, chế biến thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách ...false
4.5/5 with 32 reviewed.
WRITE COMMENT