Người chăn nuôi gà ở Đông Nam Bộ: Bao giờ qua cơn “bĩ cực”?

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Giá gà trắng tại Đông Nam Bộ đang ở mức thấp kỷ lục trong  lịch sử, đầu ra khó khăn do đứt gãy chuỗi giết mổ, chế biến  và phân phối. Điều này đẩy người chăn nuôi gà tại đây vào nguy  cơ phá sản, nếu không được giải quyết kịp thời!

Khóc vì gà

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, một số nhà máy giết mổ, chế biến có người bị Covid phải đóng cửa…) đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi. Đặc biệt các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, hiện nay 19 tỉnh tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ  có khoảng 9,3 triệu con đã đến tuổi xuất chuồng trong đó trên 4 triệu con đã quá tuổi khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất chuồng 1,8-2,5kg), gà lông màu và lợn tiêu thụ được khoảng 70%. Giá gà công nghiệp trắng khu vực ở Đông Nam Bộ chỉ dao động từ 6-10 nghìn đồng/kg (giá thành 27-29 nghìn đồng/kg).

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, giá cả gà trắng đang rất bế tắc. Hhai tháng trở lại đây giá gà lông trắng giảm ở mức kỷ lục, thấp nhất chưa từng thấy trong lịch sử với mức 8 000 đồng/kg, gà màu 28.000 đồng/kg, gà ta ở mức 52.000-53.000 đồng/kg còn gà đẻ thải loại thì không thể bán được; trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, gà làm pha lóc, đùi gà có giá từ 80.000-85.000 đồng/kg, chênh lệch như vậy là rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh, cho biết, giá gà trắng trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 7.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng, rẻ hơn cả giá một ký rau. Không chỉ giá xuống thấp, các trại chăn nuôi gà ở Tây Ninh đang phải kêu trời vì hầu như không tiêu thụ được. Trên địa bàn tỉnh này, đang có khoảng 1 triệu con gà trắng bị ế đọng. Vì thế, đã có thông tin có cơ sở chăn nuôi phải đốt bỏ hàng triệu con gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt hàng triệu con gà thương phẩm khi thị trường thịt gà trở lại bình thường.

 TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho hay, gà trắng ở Nam Bộ đang ứ đọng với số lượng rất lớn, nếu kéo dài nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ gà trắng cần phải giải quyết ngay những điểm nghẽn trong khâu lưu thông và giết mổ. Bênh cạnh gà trắng, giá gà màu và nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy sản khác ở phía Nam cũng đang giảm và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của Covid-19.

 Sản xuất, kinh doanh gà giống cũng điêu đứng

Những năm qua, các tỉnh miền Nam, miền Tây là thị trường lớn về tiêu thụ gà giống của các doanh nghiệp ở Bình Định, bởi phong trào chăn nuôi gà ở đây phát triển rất mạnh. Thế nhưng trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc vận chuyển gà giống đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và miền Tây gặp nhiều trắc trở, khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị xáo trộn.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, nhân viên bán hàng khu vực miền Nam của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết: Việc tiêu thụ gà giống tại khu vực này không còn hanh thông như trước, mà đang phát sinh nhiều khó khăn khiến chi phí vận chuyển tăng cao, gà giống hao hụt nhiều. Thậm chí có nhiều chuyến hàng đã chở đến nơi nhưng phải quay đầu xe chở hàng về, vì không đưa gà giống đến tay khách hàng được.

Theo chị Ngọc, hiện tài xế phải test nhanh Covid-19 với mức phí từ 130.000đ đến gần 400.000đ/lần test, chi phí này công ty phải trả. “Mức phí 1 lần test nhanh Covid-19 theo nhà nước quy định là khoảng hơn 130.000đ/lần, thế nhưng các tỉnh trong khu vực miền Nam hiện đang bùng phát dịch, tài xế vào bệnh viện thì hết mẫu test, vào test ở phòng khám tư nhân thì phải chịu mức phí đội giá, có tài xế báo về chi phí 1 lần test đến 350.000đ. Trong khi đó, phiếu test nhanh chỉ có hiệu lực 3 ngày, đồng nghĩa mỗi chuyến hàng tài xế phải test 1 lần, nếu việc giao hàng gặp trắc trở phải lưu lại thì chuyến quay về lại phải test lần nữa”, chị Ngọc chia sẻ.

Không chỉ thế, xe chở gà giống vào miền Nam tiêu thụ giờ phải qua nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh, xe qua chốt phải xếp hàng chờ, thời gian chờ qua chốt có khi mất 1-2 tiếng đồng hồ. Gà giống chở đi tiêu thụ mới chỉ 1 ngày tuổi, nên dù được chở bằng xe chuyên dụng nhưng gà vẫn bị yếu, chết.

“Trước đây, 1 xe chuyên dụng cỡ lớn chúng tôi chở được 40.000 con gà giống. Bây giờ, nếu có đơn hàng lớn, khách hàng mua 1 lần 35.000 con chúng tôi phải chia thành 2 xe nhỏ để gà giảm ngộp bị chết dọc đường. Như vậy, công ty tốn thêm chi phí 1 chuyến xe từ 2-3 triệu đồng. Dù đã chia nhỏ để vận chuyển để tránh hao hụt, tránh gà giống bị chết do ngộp thì gà cũng bị mất sức, nếu khách hàng nhận gà về trang trại thả nuôi mà có hao hụt thì khoản này công ty cũng phải chịu, đây cũng là sự chia sẻ khó khăn của công ty đối với khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, chị Ngọc cho hay.

Còn bà Văn Thị Minh Nguyệt, nhân viên thị trường của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết, gà giống 1 ngày tuổi của công ty vẫn có giá niêm yết 12.000 – 13.000 đ/con, thế nhưng sức tiêu thụ đã giảm 50% so với trước. Vậy mà hiện nay, giá bán 1 con gà giống của công ty chỉ nhỉnh hơn giá 1 quả trứng gà thường một chút và sức tiêu thụ đã giảm đến 80-90%. Hiện trứng gà ngoài thị trường có giá 3.000 – 4.000 đ/quả, trong khi gà giống của công ty bán chỉ từ 5.000 – 8.000 đ/con, tùy theo từng vùng. Trong khi chi phí ấp ra con gà giống rất cao với các khoản lương công nhân, điện, khấu hao thiết bị… nên không đủ vốn. Biết vậy nhưng cũng phải bán. Bởi, hiện năng lực sản xuất của công ty đạt 2 triệu con/ tháng, ngày nào cũng có gà giống ra lò. Thậm chí hiện nay, công ty phải cắt giảm khâu ấp nở, vì gà giống không tiêu thụ được.

“Trứng do gà bố mẹ đẻ ra hàng ngày phải mang ra thị trường bán đổ bán tháo, bởi nếu giữ lại thì phải tốn thêm chi phí bảo quản trứng. Nếu như cách đây khoảng nửa tháng, sản lượng tiêu thụ đã bị giảm 50% so với trước đây thì hiện nay đã giảm đến 80-90%”, chị Trần Thị Bích Ngọc, nhân viên bán hàng khu vực miền Nam của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh than thở.

Liệu sẽ thiếu thịt gia cầm? 

Theo cơ quản lý, các doanh nghiệp và cơ sở giết mổ cần phải đầu tư công suất lớn khẩn trương, chuẩn bị phương án chi viện nếu các cơ sở ở các địa phương lân cận gặp sự cố vì dịch COVID-19. Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập hai đoàn công tác đặc biệt ở cả hai miền để giúp kết nối các cơ sở giết mổ với cơ sở chăn nuôi. Các doanh nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi cho biết đã sẵn sàng tăng công suất, tăng dự trữ hỗ trợ người nuôi và dự trữ cho thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trong ngắn  hạn còn trong dài hạn, vẫn cần giải quyết điểm nghẽn lớn nhất ở khâu phân phối. Tiêu thụ không lưu thông khiến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn, chần chừ trong việc tái đàn.

Hiện các trại gà giống đã giảm lượng trứng giống đưa vào ấp hoặc ngưng không ấp trứng. Dự báo sau 3 tuần nữa, lượng gà sẽ giảm rất nhiều. Thậm chí, Bộ NN&PTNT còn dự báo, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu thực phẩm gia cầm vào dịp tết Nguyên đán năm nay, bởi khi người chăn nuôi chưa xuất được đàn cũ đi thì việc tái đàn mới cũng sẽ rất khó, do hạn chế chuồng trại đã thiết kế sẵn.

 Tuy nhiên, theo nhận định của một số người nuôi gà thịt lông trắng lão luyện tại phía Nam, lượng gà giống bố mẹ nhập về năm rồi quá lớn, số lượng gà con ra từ tháng 7 trở đi nhiều, đặc biệt phải kể đến: thêm công ty nội địa mới tham gia thị trường, công ty FDI châu Âu thêm nhà máy ấp trứng mới ở Tây Ninh, dự án xuất khẩu khổng lồ ở Bình Phước giờ chỉ bán trong nước…

Gà nhập khẩu dồi dào, đùi góc tư khoảng 1 USD/kg, cộng thuế phí vào khoảng 30.500 đ/ kg, giá này tuy có cao gần gấp đôi so với năm rồi nhưng vẫn còn quá rẻ so với hàng trong nước. Nếu giá thành gà lông là 29.000 đ/kg, thì đùi góc tư không thể dưới 42.000 đ/kg. Về nhu cầu của thị trường chính của gà tươi là thức ăn nhanh, cơm sinh viên học sinh, bếp ăn công nghiệp, chợ truyền thống….tất cả đều giảm trầm trọng, kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tăng nhưng không nhiều.

Thị trường chính của ức gà dùng cho chế biến, do nhu cầu thấp nên các công ty chế biến giảm sản xuất, giá heo giảm nhiều nên việc dùng gà thay thế heo cũng ít đi so với năm rồi… Cung cầu ngược nhau nên mới có giá bán 7.000-10.000 đ/kg như hiện tại. Tương lai cho dù cầu có tăng, cung có giảm nhưng việc bán được bằng giá vốn 29.000 đ/kg là chuyện rất khó khả thi, vì khi đó lập tức bị gà nhập khẩu tấn công ngay. Vì vậy, có mạo hiểm vào gà con giá rẻ để nuôi đón đầu không là việc nên cân nhắc kỹ, vì lời chẳng sẽ bao nhiêu nhưng rủi ro quá lớn! Mỗi người một việc tạo nên một chuỗi, nhưng trong đó chủ trại chăn nuôi là khâu dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ ở mức độ tối đa. Và mỗi chủ trại phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào tất cả các thành phần còn lại…

 

Tâm An (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Đắk Nông: Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 5 huyện
Xã Phước Đồng: Thêm 2 hộ có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi
Xã Phước Đồng: Thêm 2 hộ có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm

Comments

There is no comment

Người chăn nuôi gà ở Đông Nam Bộ: Bao giờ qua cơn “bĩ cực”? "Người chăn nuôi gà ở Đông Nam Bộ: Bao giờ qua cơn “bĩ cực”?" get  Người chăn nuôi gà ở Đông Nam Bộ: Bao giờ qua cơn “bĩ cực”?IHAPPY

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Giá gà trắng tại Đông Nam Bộ đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử, đầu ra khó khăn do đứt gãy chuỗi giết mổ, chế biến và phân phối. Điều này đẩy người chăn nuôi gà tại đây vào nguy cơ phá sản, nếu không được giải quyết kịp thời!



false
4.7/5 with 29 reviewed.
WRITE COMMENT