Mật ong Việt “tắc đường” sang Mỹ

Mức thuế cao vô lý

Từ tháng 5/2021, dịch COVID-19 trong nước bắt đầu bùng phát mạnh khiến hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu mật ong bị ngưng trệ, đặc biệt mùa mật nhãn, vải ở miền Bắc vào khoảng tháng 6, 7 thất bại nặng nề do ảnh hưởng dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách xoay xở để đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong tháng 8. Đến tháng 9 thì hầu như không có đơn hàng mật ong nào xuất khẩu sang Mỹ. Mùa mật năm nay kết thúc sớm hơn hằng năm, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp cả nước giảm 30%.

Sản lượng giảm, con đường xuất khẩu sang Mỹ - thị trường chính của mật ong Việt Nam cũng gần như bị “chặn đứng” khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả hết sức bất ngờ khi mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%; Mức thuế dành riêng cho Công ty CP Mật ong Buôn Mê Thuột là 413,99%; Công ty CP Mật ong Đắk Lắk là 410,93%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%. Trong khi đó, các nước khác cũng bị kiện bán phá giá trong đợt này là Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina lại bị áp mức thuế thấp hơn so mức thuế mà các nhà nuôi ong Mỹ đề xuất.

Theo lịch trình vụ kiện này, DOC ra phán quyết sơ bộ vào cuối tháng 11/2021, sau đó DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 8/4/2022. Cuối cùng, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 23/5/2022, sau đó sẽ thực thi thuế chống bán phá giá.

Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết: “Cả nước hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD. Hiện, tổng sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, trong đó 95% lượng xuất khẩu là vào thị trường Mỹ. Ngành mật ong đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá chắc chắn sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề”.

mat-ong-viet(1)

Người nuôi ong Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất sinh kế khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá  sơ bộ cao vô lý

Theo ông Vân: “Mỹ đã lấy giá mật ong Ấn Độ để làm căn cứ xem xét Việt Nam có bán phá giá hay không. Trên thực tế, giá mật ong Ấn Độ cao hơn Việt Nam khoảng 200 USD/tấn nên đã rất bất lợi. Tuy nhiên, mức thuế chung dành cho mật ong Việt Nam vừa công bố sơ bộ là 412,49%, cao gần gấp đôi so mức thuế đề xuất ban đầu khiến chúng tôi rất bất ngờ và thất vọng”.

Ông Đặng Bá Long, đại diện truyền thông Công ty CP Mật ong TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mức thuế này cao quá sức vô lý, xem như các doanh nghiệp mất luôn thị trường Mỹ. Trong hoàn cảnh này, chúng ta chỉ còn thị trường châu Á, một ít ở châu Âu và tiềm năng ở thị trường nội địa”.

Một số chuyên gia nông nghiệp cho hay, từ năm 1996, Việt Nam đã là nhà cung cấp chính mật ong cho thị trường EU, với lượng xuất khẩu vào thị trường này lên đến hơn 5.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2007, do chúng ta vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nên phía EU đã cấm nhập khẩu mật ong từ Việt Nam. Từ đó đến nay, chỉ một số ít doanh nghiệp xuất khẩu được vào thị trường này khi vượt qua được hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm. Mật ong Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, nhưng sản lượng không đáng kể. Ngoài thị trường Mỹ, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 2.600 tấn mật ong vào thị trường EU năm 2020, vài trăm tấn vào Nhật Bản mỗi năm…

 

Nâng chất lượng, đa dạng hóa thị trường

Tại buổi Tọa đàm: “Ngành mật ong ứng phó với việc Mỹ điều tra chống bán phá giá” tổ chức ngày 2/11, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết: “Có 2 điểm bất lợi trong vụ việc này, đó là Việt Nam vẫn bị coi là phi thị trường và hai là Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nên giá sản phẩm cũng thấp hơn, đây là lý do cáo buộc nước ngoài đối với Việt Nam, bởi biên độ ước tính của DOC với mật ong của Việt Nam cao hơn các nước khác”.

Những năm gần đây, người nuôi ong Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, sản phẩm tiêu thụ chậm. Nhiều chủ ong hiện đang loay hoay chưa biết tăng hay giảm đàn, thậm chỉ một số người còn có ý định bỏ nuôi ong. Các doanh nghiệp dự báo, khó khăn sẽ tiếp tục đến với ngành này trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho rằng, hiện nay người nuôi ong Việt Nam vẫn chưa có ý thức về chất lượng mật, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi hàm lượng và quy trình nuôi khác biệt, có tính đến các yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng.

Để đối phó với các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng mật ong nói riêng trước mắt cũng như lâu dài, các chuyên gia cho rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm vẫn luôn phải được coi trọng. Cùng với đó, các biện pháp cảnh báo sớm và mở rộng thị trường sẽ là những giải pháp mang tính bền vững cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Bài viết liên quan

Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Comments

There is no comment

Mật ong Việt “tắc đường” sang Mỹ "Mật ong Việt “tắc đường” sang Mỹ" get  Mật ong Việt “tắc đường” sang MỹIHAPPYMức thuế cao vô lýTừ tháng 5/2021, dịch COVID-19 trong nước bắt đầu bùng phát mạnh khiến hoạt động .false
4.9/5 with 47 reviewed.
WRITE COMMENT