Bột krill kích thích tôm tăng trưởng
Krill không chỉ là nguồn đạm tiềm năng thay thế bột cá, mà còn là chất kích thích tăng trưởng cực kỳ hiệu quả trong các khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng.
Aker BioMarine, một công ty sản xuất bột krill đã hợp tác với Viện nghiên cứu Labomar, đứng đầu là tiến sĩ Alberto Nunes để tiến hành thử nghiệm đánh giá mức độ ưa thích thức ăn và hiệu quả tăng trưởng của tôm thẻ giống trước các chất hóa ứng động khác nhau.
Tiến sĩ Lena Burri, Giám đốc R&D, dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi tại công ty Aker BioMarine cho biết: lượng ăn vào cao hay không, cùng tăng trưởng của vật nuôi phụ thuộc vào khẩu phần ăn có thành phần dinh dưỡng phù hợp và kích thích tế bào thần kinh – cơ quan tiếp nhận hóa học. Chất hóa ứng động liên kết những tế bào thụ quan này chính là các chất hóa học có khả năng gây ra những đáp ứng tích cực lên hành vi ăn của tôm.
Theo Lena Burri, nuôi tôm thâm canh đòi hỏi tăng cường sử dụng bột cá do thành phần dinh dưỡng và tính dẫn dụ thức ăn cao. Nhưng do nguồn cung khan hiếm, giá lại đắt đỏ buộc người nuôi tôm phải sử dụng các nguồn protein thay thế như đạm thực vật hoặc phụ phẩm chăn nuôi.
Các giải pháp thay thế có ưu điểm như giá rẻ và bền vững hơn bột cá nhưng chúng có nguy cơ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của tôm. Nguyên nhân là do các nguồn protein thay thế nói trên thường thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, tính dẫn dụ thức ăn thấp hơn, kém ngon hơn và chứa nhiều yếu tố kháng dinh dưỡng có nguy cơ kìm hãm các kích thích ăn vào và giảm sinh khả dụng của chất dinh dưỡng.
Một chất dẫn dụ thức ăn tốt có thể giúp giải quyết được mọi vướng mắc nói trên. Tuy nhiên, khi so sánh các nguồn chất dẫn dụ như cá, krill, tôm, hoặc bột mực có thể thấy hiệu lực của mỗi chất sẽ khác nhau. Aker BioMarine và Viện nghiên cứu Labomar tiến hành thử nghiệm nhằm tìm ra chất dẫn dụ thức ăn nào giúp tôm tăng trưởng tốt nhất.
AkerBio Marine cho biết, khẩu phần ăn của tôm thẻ trong thử nghiệm trên gồm 3% bột cá được bổ sung thêm 3% bột krill, bột mực, bột đầu tôm, bột tôm, bột gan mực, bột cá hồi, tinh chất đạm đậu nành đậm đặc (SPC) hoặc 5% dịch cá mòi thủy phân. Bể nuôi tôm có mật độ 100 con/m2. Tôm được cho ăn 10 lần/ngày, suốt 74 ngày nuôi.
Lúc thu hoạch, tôm được đếm số lượng, cân trọng lượng và đánh giá hiệu suất tăng trưởng cùng hiệu quả sử dụng thức ăn. Để đánh giá mức độ ưa thích thức ăn của tôm, các chuyên gia dinh dưỡng đã so sánh từng cặp khẩu phần ăn. Mỗi khẩu phần ăn lại chứa các chất hóa ứng động khác nhau được đưa đồng thời vào 2 khay ăn riêng biệt đặt ở mỗi bể nuôi.
Kết quả cho thấy, bột krill là chất kích thích tăng trưởng hiệu quả nhất trong các khẩu phần ăn cho tôm thẻ; trọng lượng thân cuối cao nhất ở nhóm tôm ăn bổ sung bột krill (11,97 ± 0,93 g); tiếp đến là khẩu phần ăn bổ sung bột cá hồi (11,11 ± 0,77 g); và bột mực (11,01 ± 1,17 g).
Giải thích về hiệu quả kích thích tôm ăn vào của bột krill, tiến sĩ Burri cho biết: các hợp chất hòa tan trong nước, trọng lượng phân tử thấp, axit amin tự do, nucleotide, nucleoside, hợp chất quaternary ammonium, phospholipids, giogenic amines và monosaccharide đều được coi như các chất kích thích ăn hiệu quả hơn bằng cách cải thiện tính dẫn dụ và độ ngon miệng cho khẩu phần ăn. Bột krill là sự kết hợp của nhiều hợp chất trọng lượng phân tử thấp nói trên. Các chất này hoạt động cùng nhau trong krill và có tác dụng kích thích tôm ăn hiệu quả. Theo tiến sĩ Burry, bột krill còn phát huy tác dụng kích thích tăng trưởng khi tôm nuôi trong những môi trường có độ mặn cao.
Tuấn Minh (Theo Allaboutfeed)
Bài viết liên quan




There is no comment
Krill không chỉ là nguồn đạm tiềm năng thay thế bột cá, mà còn là chất kích thích tăng trưởng cực kỳ hiệu quả trong các khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng.
false