‘Bắt tay’ doanh nghiệp chăn nuôi lợn gia công, mở hướng làm giàu

Sau nhiều lần thử nghiệm các hình thức phát triển kinh tế gia đình nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Đồng Quán, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã quyết định “bắt tay” với doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi lợn gia công khép kín. Những thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi này đã mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho ông và các hộ chăn nuôi ở địa phương.

1_15

Nhờ liên kết với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Đồng Quán, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo không chịu áp lực tìm “đầu ra” cho đàn lợn

 

Tháng 7/2020, ông Tuấn cải tạo, quy hoạch lại diện tích đất trồng cây lâu năm của gia đình với tổng diện tích trên 4.300m2 để xây dựng trang trại nuôi lợn. Nhận thấy Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín, có kinh nghiệm lâu năm nên ông quyết định ký hợp đồng hợp tác chăn nuôi lợn gia công với công ty.



Gia đình ông đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mua sắm máy móc, trang thiết bị và xây dựng các hầm biogas xử lý chất thải, đảm bảo công suất chăn nuôi hàng nghìn con lợn mỗi lứa.

 

Thời gian đầu, ông Tuấn nuôi 500 con lợn/lứa với quan điểm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm. Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức chăn nuôi lợn ở nhiều kênh khác nhau, cùng cán bộ kỹ thuật của công ty chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho đàn lợn theo từng độ tuổi. Lứa đầu tiên thành công, với kinh nghiệm được tích lũy, ông Tuấn quyết định thuê thêm công nhân và tăng đàn lợn lên 1.000 con/lứa.

 

Ông Tuấn cho biết: “Trong quá trình chăn nuôi, công ty sẽ cung ứng toàn bộ giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc đàn lợn đạt tiêu chuẩn cho tới thời điểm xuất chuồng. Nhờ sự hỗ trợ tối đa đó, nên việc chăn nuôi khá thuận lợi, đàn lợn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

 

Từ khi bắt đầu nuôi đến nay, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng ngừa dịch bệnh nên không để xảy ra tình trạng lợn ốm, chết. Lứa đầu tiên, sau khi trừ mọi chi phí, tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng”.

 

Những thuận lợi bước đầu đã tạo động lực để ông Tuấn tiếp tục tin tưởng và duy trì hình thức chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp. Hiện nay, ông nâng đàn lợn giống lên 1.500 – 2.000 con/lứa, mỗi năm chăn nuôi 2 lứa, trọng lượng trung bình trên 100kg/con.

 

Thực tế hiện nay, nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn gặp khó khăn về vốn, thiếu kiến thức chăn nuôi và chịu nhiều rủi ro từ giá cả thị trường, thời tiết, dịch bệnh thì khi liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo đúng kỹ thuật tiên tiến, trang trại nuôi lợn của gia đình ông Tuấn vẫn “trụ vững”.

 

Theo ông Tuấn: “Lợi ích lớn nhất là người chăn nuôi không phải lo đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch và nhất là vấn đề “đầu ra” vì công ty đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý.



Tuy nhiên, người chăn nuôi cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của doanh nghiệp; phải đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch nghiêm ngặt, thường xuyên khử khuẩn, giữ vệ sinh sạch sẽ ở tất cả các khâu trong quá trình chăn nuôi. Hạn chế tối đa cho người lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh lây lan nguồn bệnh”.

 

Trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn không ít rủi ro bởi dịch bệnh và chịu nhiều áp lực bởi giá cả thì việc liên kết chăn nuôi gia công giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp được coi là một giải pháp an toàn và hiệu quả.

 

Hiện nay, với mức giá thu mua ổn định của doanh nghiệp, trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông Tuấn có thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng.

 

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Tuấn còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Mô hình chăn nuôi lợn gia công của ông Tuấn đã tạo hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

 

Tuy nhiên, để nhân rộng hình thức chăn nuôi này, rất cần sự khuyến khích, quan tâm hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách của các cấp, ngành, địa phương để mở rộng khu vực chăn nuôi, giúp người chăn nuôi khai thác hết tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế.

 

Bài, ảnh: Phương Loan

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Bài viết liên quan

Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Long An: Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội tăng 7%
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 29/12 tiếp tục xu hướng giảm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Long An: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Comments

There is no comment

‘Bắt tay’ doanh nghiệp chăn nuôi lợn gia công, mở hướng làm giàu "‘Bắt tay’ doanh nghiệp chăn nuôi lợn gia công, mở hướng làm giàu" get  ‘Bắt tay’ doanh nghiệp chăn nuôi lợn gia công, mở hướng làm giàuIHAPPYSau nhiều lần thử nghiệm các hình thức phát triển kinh tế gia đình nhưng hiệu quả chưa được ...false
4.6/5 with 31 reviewed.
WRITE COMMENT